CÂY BẸO – NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA CHỢ NỔI MIỀN TÂY

 

Khi lần đầu đến với chợ nổi miền Tây, chắc chắn nhiều du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cây sào dài, cao chót vót được cắm trên các ghe hàng, trên mỗi sào đều treo lủng lẳng một hay nhiều loại trái cây, củ quả.

Và cây sào đó chính là nét văn hóa độc đáo đặc trưng của chợ nổi miền Tây, được gọi với cái tên mộc mạc là cây bẹo.

Cây bẹo có thể được treo theo phương nằm ngang hoặc thẳng đứng

Treo theo phương thẳng đứng có thể giúp khách hàng nhìn thấy đồ mình muốn mua từ xa dễ hơn.

Cây bẹo được xem là phương thức quảng cáo, chào hàng độc đáo ở các khu chợ nổi ở miền Tây. Người bán sẽ dùng một cây sào dài bằng gỗ chống trước mũi xuồng, ghe và treo lên những mặt hàng mà mình có bán.

Theo phương ngữ miền Tây, từ bẹo có nghĩa là trưng ra, phô bày và trên những ghe thuyền buôn bán miền sông nước, cây bẹo được sử dụng với công dụng trưng bày hàng hóa, mời gọi khách hàng, một hình thức văn hóa tiếp thị “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhờ hình ảnh của cây bẹo trên mỗi ghe xuồng, khách hàng sẽ dễ dàng nhận biết và tìm được mặt hàng cần mua. Bởi ở đây sẽ rất khó để sử dụng các băng rôn, bảng hiệu vì sẽ dễ bị vướng khi di chuyển những chiếc ghe gần nhau và tiếng rao bán sẽ bị lấn áp bởi tiếng máy nổ của xuồng ghe cùng tiếng sóng vỗ ì oạp. Hơn thế nữa, các thương hồ đều xem ghe hàng là nhà, nơi sinh hoạt hằng ngày, ghe lại có diện tích khiêm tốn, nếu đặt biển quảng cáo thì rất tốn diện tích và không đảm bảo sự tiện lợi. 

Chính vì vậy, cây bẹo được ra đời như một sản phẩm “trong cái khó ló cái khôn” của ông cha ngày xưa, vì nó đơn giản, không cầu kỳ, lại rất hữu dụng, chỉ cần nhìn vào cây bẹo là biết ghe đó bán chủng loại hàng hóa gì, tức là “treo cái gì, bán cái đấy”.

Du khách trải nghiệm ngồi ghe đi chợ nổi sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh bình dị đặc trưng ở miền Tây sông nước.

Cây bẹo là hình ảnh độc đáo mang đậm nét đẹp văn hóa miền sông nước và để lại nhiều ấn tượng thú vị trong lòng du khách muôn phương khi có dịp ghé thăm chợ nổi. Hình ảnh này còn thể hiện nhiều ý nghĩa độc đáo và được hiểu theo 4 cách thú vị khác nhau:  

  • Treo gì bán nấy

Đây là nguyên tắc chung của cây bẹo. Người dân sẽ treo những thứ mà ghe thuyền có bán để khách hàng dễ dàng tìm thấy và đến mua. 

  • Treo mà không bán

Ghe thuyền không chỉ là phương tiện đi lại, chở hàng buôn bán, mà còn là được xem là ngôi nhà, nơi sinh sống của gia đình tiểu thương. Chính vì vậy trên ghe có thể treo quần áo và một số vật dụng sinh hoạt… Đây chính là những thứ treo mà không bán.

Nhưng nếu bạn trót mê mẫu quần áo mà người dân phơi trên cây bẹo thì có thể ghé thăm để hỏi nơi mua nhé.

  • Không treo mà bán

Bên cạnh trái cây và các loại nông sản, những chiếc ghe, thuyền nhỏ còn len lỏi bán mặt hàng ăn uống phục vụ khách tham quan chợ nổi và người địa phương. Những chiếc ghe này thường không dùng cây bẹo mà sử dụng kèn bấm để tạo sự chú ý và thu hút khách hàng.

Có bạn nào thắc mắc tại sao người ta lại không treo bún, phở, miến lên cây bẹo không???

  • Treo cái này bán cái khác

Mặt hàng buôn bán này có chút đặc biệt vì không thể treo một cách bình thường và cũng không phổ biến như mặt hàng ăn uống nên người dân sẽ cắm lên cây bẹo có tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa. Ý muốn chỉ chiếc ghe/thuyền này sẽ được bán. Đây là trường hợp “treo cái này bán cái khác”, hay còn được gọi là “bẹo lá bán ghe”.

Lênh đênh trên ghe thuyền, len lỏi giữa khu chợ nổi đông đúc, ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp và đi tìm cây bẹo có treo món hàng cần mua sẽ là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ mà nhất định bạn hãy thử một lần.

Tham khảo tour miền Tây nhà GoTrip để chiêm ngưỡng và trải nghiệm nét văn hóa cây bẹo độc đáo này tại những chợ nổi nổi tiếng: Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Cà Mau (Cà Mau), Phong Điền (Cần Thơ)… nhé!

Tour khám phá lục tỉnh miền Tây

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.